Nguyên tắc thứ tư: Năng Chỉnh Đốn
Khả năng chỉnh đốn và tổ chức:
Yếu lĩnh:
“Năng Chỉnh Đốn: hóa vật chỉnh tề, đoạt nhân tâm mục”
Nghĩa là: khi vật được sắp xếp chỉnh tề thì dễ thu hút sự chú ý của người khác.
Phải nhớ 12 nguyên tắc của Đào Chu Công được đặt tên là Đào Chu Công Thương Trường Thập Nhị Tắc tức là 12 nguyên tắc trên thương trường. Nguyên tắc thứ tư này ông Đào muốn nhấn mạnh tới sự trình bày của sản phẩm, từ bao bì, tới giá kệ, kho tàng sắp xếp sao cho được chỉnh tề thì sẽ thu hút được sự chú ý của người mua.
Tất nhiên Năng Chỉnh Đốn còn được hiểu theo nhiều nghĩa rộng lớn hơn hơn là quản lý và trưng bày sản phẩm, năng chỉnh đốn là khả năng tổ chức, thiết lập luật lệ, nuôi dưỡng thái độ đúng đắn của cán bộ nhân viên vv…
Trong Thế Thiên, Tôn Tử có viết:
“Phàm trị chúng như trị quả, phân số thị dã”
Có nghĩa là:
Quản trị một đám quân lớn cũng như một đám quân nhỏ chẳng khác gì nhau, là do công tác chỉnh đốn tổ chức mà ra. Vậy thì dù là doanh nghiệp khởi nghiệp hay doanh nghiệp với hàng chục, hàng trăm ngàn cán bộ công nhân viên, theo lời Tôn Tử thì, như nhau cả, là do khả năng chỉnh đốn, tổ chức cán bộ, sắp xếp luật lệ mà ra. Một khi có khả năng này thì tổ chức có lớn mấy cũng không thể làm khó người làm tướng được.
Trong Quân Tranh Thiên, Tôn Tử lại viết:
“Vô yêu chính chính chi kỳ, vật kích đường đường chi trận, thử trị biến giả dã”
Có nghĩa là:
Tự nhiên có đội quân tới đánh mình mà cờ xí chỉnh tề, đừng nghênh chiến vội, mang quân đi công địch mà thấy địch hàng lối chỉnh tề nghiêm cẩn thì đừng tấn công vội, như thế là nắm được yếu lĩnh của việc điều quân linh hoạt.
Điều này đủ cho thấy, Tôn Tử coi trọng việc chỉnh đốn như thế nào. Gặp địch mà thấy địch hàng ngũ nghiêm trang, đường lối chỉnh tề, cờ xí chuẩn mực chứng tỏ tướng nó mạnh và quân nó được luyện, vội vã tấn công có thể thất bại thảm hại.
Binh Gia Môn khởi đầu chỉ có 108 con người từ khắp các vùng miền, nhưng nếu ta Năng Chỉnh Đốn thì sức mạnh sẽ không thua kém gì 10800 người. Như thế mới có thể phát dương quang đại được.