Nguyên tắc thứ ba: Năng An Nghiệp
Yếu lĩnh:
“Năng An Nghiệp: yếm cố hỷ tân, thương cổ đại bệnh”
Nghĩa là:
“Cứ bỏ cũ chạy theo mới là bệnh nặng từ xưa trên thương trường”.
Xét về chữ “An” có nhiều nghĩa như trong các từ Hán Việt như An nhàn vô sự, bình an, an tĩnh vv…. nhưng có lẽ chữ An trong An trú là quan trọng bậc nhất. Sư Một Hạnh dạy An trú trong hiện tại, nghĩa là không để cái tâm của mình chạy lang thang về miền quá khứ hay mộng tưởng tương lai. Thiền của đạo Phật nói về An trú trong hỷ lạc, rồi lại an trú trong xả, an trú trong định vv…. Trong cái An Trú, có một sự thỏa mãn, một sự vững vàng không còn lay động nữa.
Xét về kinh doanh, cả cụm Năng An Nghiệp nên được hiểu là Khả năng tập trung cao độ vào công việc chính:
– Tập trung vào mục tiêu ngắn hạn, không bỏ ngang trước khi hoàn thành.
– Đối với định hướng tầm nhìn dài hạn, không thay đổi quá thường xuyên.
Vậy đối với mọi doanh nghiệp dù lớn dù nhỏ, dù là đại công ty ngàn tỷ hay doanh nghiệp khởi nghiệp, một câu hỏi bắt buộc phải trả lời được đó là “Công việc kinh doanh chính của tôi là gì?”. Xác định được cái chính thì trên con đường ta đi, tùy theo nguồn lực mà có thể tiện tay dắt vài con dê cũng chẳng sao.
Đối với Năng An Nghiệp, có 4 điều mà chúng ta khi có thời gian nên thử tư duy sâu thêm:
1. Làm thế nào để tránh thất định (bị mất tập trung, bị lãng đãng, lôi kéo, lạc trôi …) (how to avoid being distracted) ?
2. Làm thế nào để xây dựng được thế mạnh của cái chính (how to build core business, core competencies) ?
3. Làm thế nào để tập trung vào giá trị và tránh tập trung vào hình thức (how to get substance, not style) ?
4. Từ việc kinh doanh chính, làm thế nào để thấu hiểu khách hàng chính và thị trường chủ đạo (how to understand key clients, key market) ?
Bởi vì sau khi ta tập trung, ngắm kỹ, ngắm chuẩn, nín thở và BÓP thì sẽ trúng hồng tâm thôi.