Đỗ Phủ trong bài thơ: Tiền xuất tái kỳ 6, viết rằng:
Vãn cung đương vãn cường,
Dụng tiễn đương dụng trường.
Xạ nhân tiên xạ mã,
Cầm tặc tiên cầm vương.
Sát nhân diệc hữu hạn,
Liệt quốc tự hữu cương.
Cẩu năng chế xâm lăng,
Khởi tại đa sát thương?
Nghĩa là:
Giương cung phải cung cứng,
Dùng tên phải tên dài.
Bắn người, bắn ngựa trước,
Bắt giặc, bắt chúa ngay.
Giết người cũng có hạn,
Nước nào chẳng đất đai?
Nếu đủ chặn xâm lược,
Cần gì giết thẳng tay?
Thế nên yếu lĩnh của chiêu thức này là: Địch dù quân mạnh, nhưng lại chỉ làm việc vì sợ hãi hay vì phần thưởng thì hãy nhắm thẳng vào Lãnh đạo của chúng mà quật. Lãnh đạo gục, toàn quân sẽ tự tan hoặc đầu hàng. Quân địch mà kết nối với Lãnh đạo của chúng bằng trái tim, trung thành từ tâm thì hãy cẩn thận, bởi cái chết của người lãnh đạo của chúng sẽ khiến toàn quân cảm tử trả thù.
Căn bản của kế này là phải nắm được mối quan hệ tướng và lính trong quân địch. Nếu tướng địch không phải tướng sáng, chỉ dùng quyền lực và sự chết chóc để điều binh khiển tướng thì chỉ cần đập chết thằng tướng thì quân sẽ tự tan. Nền tảng đằng sau vẫn là làm sao chiến tranh tan rã mà bảo vệ được đất nước. Chứ không phải hiếu sát để sinh linh đồ thán, kiệt quệ nhân lực quốc khố trong chiến tranh.
Kế này lại không thể thực hiện được nếu quân địch “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Với các tình tướng sĩ như cha con, việc giết chết tướng địch có khi lại là thảm họa khi địch quân liều chết báo thù. Khi đau thương được biến thành hành động cách mạng thì còn cái giải rút cũng đánh.
Một ứng dụng trong kinh doanh rõ rệt nhất là ở chỗ đánh thắng và chiếm lĩnh bằng việc săn đầu người. Hai công ty cạnh tranh nhau rõ rệt trên cùng một thị trường. Nhận ra đối phương có tướng mạnh là cốt lõi thành công của phía bên kia, nếu mà có cách để săn được người đó về thì tự nhiên công ty kia sẽ thành rắn mất đầu mà kém hẳn sức cạnh tranh rồi dần dần tan rã.