Chiêu thứ 36: Tẩu Vi Thượng
Trong Nội công bài số 5: Hư thực thiên, có câu
Truyện viết: “ kiến khả nhi tiến, tri nan nhi thối”.
Nghĩa là: Truyện viết rằng: “thấy tiến được thì tiến, thấy khó thì nên lui”.
Tẩu Vi Thượng – Kế thứ 36 chính là khi ta rút lui. Rút lui là cao nhất khi không thể đối đầu.
Yếu Lĩnh:
“Khi bị lấn chiếm trên tất cả các mặt trận, đừng chiến đấu, đừng đầu hàng, đừng thỏa hiệp. Đầu hàng là bại trận toàn diện, thỏa hiệp là bại một nửa. Chỉ có rút lui mới không bại. Chỉ cần không bại, còn có cơ hội quay lại và phản công”.
Trong kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ I, nhận thấy không thể đối đầu với giặc quá mạnh, quá tinh nhuệ với số lượng đông đảo, nhuệ khí áp đảo vì đã đánh chiếm gần như toàn bộ lục địa Âu Á, vua quan nhà Trần đã quyết định lui bằng chiến dịch Vườn Không Nhà Trống mang đi hết của cải lương thực.
Cái “Tẩu Vi” này không phải là hèn nhát mà lại chính là cái cốt lõi của việc thắng sau này. Lui lại tạo ra điểm yếu cho địch. Chính vì lui mà địch tự nhiên thiếu quân lương. Chiến lược đánh tới đâu cướp lương tới đó của quân Nguyên Mông thất bại dẫn tới phải rút quân rất nhanh trong chưa đầy có 10 ngày. Sau đó, quân dân nhà Trần truy sát tống tiễn toàn bộ giặc ra khỏi lãnh thổ.
Khiết Thảo Hồ Nguyễn Thế Nam mới chỉ nói tới lui để tránh thương vong và tìm cách đánh khác mà chưa nhìn thấy khía cạnh của việc ta lui lại có thể tạo ra thế mạnh của ta và thế yếu của địch. Ngoài ra, cũng chưa phân tích thêm về khía cạnh cái Thấy trong Tẩu Vi.
Trong bức thư của Gia Cát Lượng gửi Tào Chân, mắng cho họ Tào hộc máu mà chết có mấy câu về cái Thấy này:
“Biết thiên văn khi mưa khi nắng
Thuộc địa lý chỗ hiểm chỗ thường
Thế trận khó dễ cần phải hiểu
Tài giặc hay dở cần phải tường”
Trong đó có 4 từ thật là quan trọng: Biết – Thuộc – Hiểu – Tường, 4 giai đoạn của cái Thấy. Người trong Binh Gia Môn, học nội công nào, chiêu thức nào, đều sẽ phải trải qua bốn giai đoạn này của cái Thấy. Tất nhiên đỉnh cao nhất thì như là Lão Tử nói: “Tự Tri Giả Minh” (Tự thấy thì sáng) nhưng không có mấy người có ngộ tính cao để mà tự thấy.
Cái Thấy này nó bao trùm cả cái Tri Bỉ là biết người mà tổ sư Tôn Tử đã dạy, ngoài biết tài giặc hay dở, còn phải biết cả Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa. Khi ấy thì ngay cả khi rút lui, cũng rút một cách khôn ngoan không tổn thất, tạo ra thế yếu cho địch chờ đợi dịp phản công.
#drdavidnguyen #binhphapungdung
Mấu chốt: biết khi nào rút ra rất quan trọng. He he